Bạch Thông là một huyện miền núi nằm ở trung tâm của tỉnh Bắc Kạn, có Quốc lộ 3 chạy dọc theo với chiều dài hơn 30 km. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 546,5 km2. Bạch Thông là nơi hội tụ tương đối đầy đủ những đặc điểm chính của tỉnh Bắc Kạn cả về điều kiện tự nhiên và xã hội.
1. Điều kiện tự nhiên:
1.1 Vị trí địa lý
Bốn phía của huyện Bạch Thông đều giáp với các huyện trong tỉnh Bắc Kạn trong đó:
Phía Nam giáp với Thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Mới
Phía Đông giáp huyện Na Rỳ
Phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn và huyện Ba Bể
Phía Tây giáp huyện Chợ Đồn
1.2. Địa hình
Địa hình Bạch Thông là nơi hội tụ của hệ thống núi dạng cánh cung, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, tạo thành các kiểu địa hình núi cao trung bình, địa hình núi thấp và đồi thoải lượn sóng xen kẽ với các thung lũng là các cánh đồng nhỏ hẹp, độ dốc bình quân 260 – 300, diện tích đồi núi chiếm khoảng 90% tổng diện tích tự nhiên, diện tích tương đối bằng phẳng chiếm khoảng 10%, đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng bậc thang và các bãi bồi dọc theo hệ thống sông suối. Địa hình phức tạp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
1.3. Khí hậu
Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa xích đạo, trong năm thời tiết chia thành 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Mùa hạ trùng với gió mùa đông nam (từ tháng 4 đến tháng 10) thời tiết nóng và mưa nhiều, nhiệt độ trung bình từ 250C đến 270C lượng mưa chiếm khoảng 90% tổng lượng mưa trong năm. Mùa đông trùng với gió mùa đông bắc (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau) thời tiết khô, hanh giá rét, nhiều khi có sương muối, nhiệt độ trung bình từ 150C đến 170C mưa ít chỉ khoảng 10% tổng lượng mưa trong năm gây ảnh hưởng xấu đến độ sinh trưởng và phát triển của cây trồng và gia súc. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa nóng – lạnh tương đối lớn nhiệt độ trung bình ở tháng nóng nhất là 270C, ở tháng lạnh nhất là 13,70C.
Lượng mưa trung bình năm là 1.248,2 mm, phân bố không đều giữa các tháng trong năm, mưa tập trung vào các tháng 5,6,7,8; vào tháng 11 lượng mưa không đáng kể, hàng năm trên địa bàn huyện xuất hiện mưa đá từ 1 đến 3 lần.
Độ ẩm không khí trung bình năm đạt 83%, cao nhất vào các tháng 7,8,9,10 từ 84 – 86% thấp nhất là tháng 12 và tháng 1 năm sau. Nhìn chung độ ẩm không khí trên địa bàn huyện không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm.
Gió trên địa bàn huyện có hai hướng chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, tốc độ gió bình quân 01 – 03 m/s; vào giai đoạn chuyển từ mùa đông sang mùa hè (tháng 4 hàng năm) gió thổi cả ngày với vận tốc trung bình từ 02 – 03 m/s, thời kỳ chuyển từ mùa hè sang mùa đông tốc độ gió yếu nhất trong năm.
Giông, bão ít ảnh hưởng đến huyện Bạch Thông vì vị trí địa lý của huyện nằm sâu trong đất liền và được che chắn bởi các dãy núi cao, lượng mưa trong năm không lớn nhưng lại tập trung nên xảy ra tình trạng lũ quét và sạt lở đất.
1.4. Thuỷ văn
Bạch Thông có nhiều sông suối và được phân bố đều khắp. Con sông lớn nhất là sông Cầu, bắt nguồn từ Bằng Vân (huyện Chợ Đồn) chảy vào đất Bạch Thông qua địa phận các xã Dương Phong, Quang Thuận, Mỹ Thanh rồi đổ về phía nam. Hàng năm dòng sông bồi đắp cho các xã dọc lưu vực một lớp phù sa khá màu mỡ. Hệ thống sông, ngòi nhánh nhỏ được phân bố khá dày đặc, song hầu hết đều ngắn, lưu vực nhỏ, độ dốc dòng chảy lớn và có nhiều thác ghềnh.
Nhìn chung hệ thống sông ngòi trên địa bàn được chi phối trực tiếp bởi cấu tạo địa hình trên địa bàn huyện, về mùa mưa địa hình dốc lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt, gây xói mòn rửa trôi.
2. Tài nguyên thiên nhiên
2.1. Tài nguyên rừng
Là nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của huyện Bạch Thông, theo số liệu thống kê năm 2015 diện tích đất lâm nghiệp của toàn huyện Bạch Thông đạt 46.973 ha, chiếm 85,95%(trong đó rừng sản xuất 24.077,43 ha; rừng phòng hộ 19.058,38 ha; rừng đặc dụng 3.837,26 ha). Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: Nghiến, Trai, Lát Hoa, Sến, Táu.. cùng các loài thú quý như: hươu sao, gà gô, gà lôi và các loại đặc sản quý như nhung hươu, mật ong, nấm hương…
2.2. Tài nguyên đất
Đất của huyện Bạch Thông chủ yếu là các loại đất feralit nâu vàng, feralit đỏ vàng, đất dốc tụ và phù sa sông suối. Phân bố các loại đất chính trên địa bàn huyện như sau:
Đất Feralít màu vàng nhạt trên núi trung bình(FH): Được phân bố trên các đỉnh núi cao >700 m, trên nền đá măcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất, hạt mịn, hạt thô….Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày, ẩm, đá nổi dày.
Đất Feralít hình thành trên vùng đồi núi thấp (phát triển trên đá sa thạch): Đặc điểm là tầng mỏng đến trung bình. Thành phần cơ giới nhẹ, màu vàng đỏ. Thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như: Mía, lạc, đậu tương, chè, hồi, quế… và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như cam, quýt, hồng không hạt, táo,…
2.3. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Lưu vực một số suối có nước quanh năm, vào mùa khô lưu lượng nước ít hơn do độ dốc địa hình lớn. Một số suối chỉ có nước vào mùa mưa, mùa khô hầu như không có. Vì vậy, khai thác nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cần phải có sự đầu tư lớn.
Nguồn nước ngầm: Do địa hình miền núi nên nước ngầm chỉ có ở chân các hợp thuỷ và gần suối, mạch nước ngầm cách mặt đất khoảng từ 3- 3,5 m, hình thức khai thác là dùng giếng khoan.
2.4. Tài nguyên khác
Trên địa bàn huyện còn có các loại tài nguyên khoáng sản khác như: vàng, quặng sắt, cát, sỏi….tuy nhiên trữ lượng không lớn.
3. Đơn vị hành chính
Trước đây khi còn trực thuộc tỉnh Bắc Thái, huyện Bạch Thông có 28 đơn vị hành chính (gồm 26 xã và 2 thị trấn). Năm 1997, khi tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập, huyện Bạch Thông tiếp nhận thêm 9 xã và 01 thị trấn từ huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và trở thành 01 huyện của tỉnh Bắc Kạn với 38 đơn vị hành chính. Sau đó, thực hiện Nghị quyết 56/NQ-CP ngày 31/5/1997 của Chính phủ, huyện Bạch Thông bàn giao 04 xã, 01 thị trấn sang thị xã Bắc Kạn. Tháng 7/1998 Chính phủ có Nghị định số 46-NĐ/CP về việc thành lập huyện Chợ Mới, Bạch Thông chuyển giao 15 xã, 01 thị trấn về huyện Chợ Mới. Huyện Bạch Thông còn lại thị trấn Phủ Thông và 16 xã: Cẩm Giàng, Cao Sơn, Đôn Phong, Dương Phong, Hà Vị, Lục Bình, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Phương Linh, Quân Bình, Quang Thuận, Sỹ Bình, Tân Tiến, Tú Trĩ, Vi Hương, Vũ Muộn.
Tháng 9/1999, trụ sở cơ quan huyện Bạch Thông chuyển từ phường Nguyễn Thị Minh Khai lên thị trấn Phủ Thông, thị trấn Phủ Thông trở thành huyện lỵ Bạch Thông.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Quân Bình và xã Hà Vị thành xã Quân Hà, sáp nhập xã Tân Tiến và xã Tú Trĩ thành xã Tân Tú và sáp nhập xã Phương Linh vào thị trấn Phủ Thông. Huyện Bạch Thông có 1 thị trấn và 13 xã như hiện nay.
4. Hệ thống giao thông
Với trên 90% diện tích là rừng núi, địa hình khá phức tạp nhưng do có Quốc lộ 3 chạy qua nên giao thông từ Bạch Thông xuống phía Nam (xuống Thái Nguyên, Hà Nội), lên phái Bắc (Cao Bằng) rất thuận tiện. Ngoài ra, hệ thống đường nhánh 257, 258 đi các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm và các đường nhỏ khác của huyện đã tạo thành một mạng lưới giao thông nội vùng, phục vụ nhu cầu đi lại và đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của nhân dân các dân tộc trong huyện.
CỔNG TTĐT HUYỆN BẠCH THÔNG, TỈNH BẮC KẠN
Địa chỉ: Phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch thông, tỉnh Bắc Kạn
Số điện thoại liên hệ: 02093.850.353 – 02093.850.072 – Fax: 02093.850.060
Email: bientap.bt@backan.gov.vn
Trưởng Ban Biên tập: Ông Hoàng Văn Kiệm – Phó Chủ tịch UBND huyện
Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này.