Tiềm năng, thế mạnh

0

Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Bạch Thông có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; có hệ thống giao thông thuận tiện để giao lưu, phát triển kinh tế với các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn; nguồn lao động dồi dào, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Người dân Bạch Thông với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, không ngừng lao động sáng tạo, ứng dụng được các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng, năng suất, chất lượng sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp tăng dần qua các năng. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2015, diện tích đất nông nghiệp của toàn huyện là 54.649,91 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 52.649,91 ha). Giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thuỷ sản từ 2010 đến 2015 đạt 434 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm; toàn huyện có 1.100 ha diện tích đất ruộng đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha trở lên, trong đó 500 ha đạt giá trị trên 70 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân 50,8 tạ/ha/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt 2015 đạt 19.299 tấn, tăng 1.355 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực đầu người đạt 575 kg, tăng 70 kg/người so với năm 2010.

Phát triển lâm nghiệp

Diện tích đất lâm nghiệp của huyện Bạch Thông là 46.973 ha (chiếm 85,95% diện tích đất tự nhiên) là nguồn tài nguyên to lớn của huyện. Xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chính trong sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bạch Thông, chính vì vậy giai đoạn 2011 – 2015 cấp ủy, chính quyền từ huyện cơ sở tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện trồng rừng. Diện tích rừng trồng mới từ năm 2011 đến 2015 đạt 5.798 ha (bình quân mỗi năm trồng được 1.160 ha, nâng độ che phủ rừng từ 67% năm 2010 lên 76% năm 2015. Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều hộ dân làm giàu từ mô hình kinh tế VARC, kinh tế đồi – rừng… góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt thế mạnh của từng vùng, hình thành các đơn vị sản xuất hàng hóa phù hợp với thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất từ lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của huyện đạt trên 85 tỷ đồng/năm.

Chủ động phát triển kinh tế vùng sản xuất hàng hóa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII (giai đoạn 2010 – 2015) quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Bạch Thông trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ cao và bền vững, nông – lâm nghiệp thành nền tảng vững chắc. Đẩy mạnh phát triển sản xuất vùng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và ổn định; chuyển dịch nhanh hơn nữa cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các loại cây, con chủ lực có lợi thế theo từng vùng sản xuất, cụ thể như sau:

Vùng sản xuất lương thực: Vùng lúa tập trung ở các xã:Vi Hương, Quân Bình, Phương Linh, Cẩm Giàng, Tú Trĩ, Lục Bình, Cẩm Giàng. Vùng ngô tập trung ở 5 xã dọc sông Cầu chủ yếu là: Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Dương Phong, Quang Thuận và Đôn Phong.

Vùng trồng cây ăn quả: Tập trung ở các xã phía TâyNamcủa huyện: Quang Thuận, Đôn Phong và Dương Phong. Vùng trồng xoài, vải thiều, na, nhãn lồng tại các xã dọc quốc lộ 3 như: Cẩm Giàng, Quân Bình, Tân Tiến, Phương Linh.

Vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày và cây đặc sản: Cây đỗ tương, thuốc lá tập trung tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn, Tân Tiến, Tú Trĩ, Lục Bình, Quân Bình và Nguyên Phúc.

Vùng kinh tế rừng tập trung: Vùng cây nguyên liệu giấy ở các xã gần đường giao thông và sông suối thuận lợi cho việc vận chuyển như Nguyên Phúc, Cẩm Giàng, Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận, Lục Bình, Tú Trĩ, Phương Linh và Vi Hương.

Vùng trồng cây rau đậu, dưa hấu tập trung ở các xã vùng ven Thành phố Bắc Kạn như: Cẩm Giàng, Quân Bình, Hà Vị, Quang Thuận và Nguyên Phúc.

Vùng chăn nuôi gia súc: Phát triển trâu, bò, dê ở các xã Mỹ Thanh, Cao Sơn, Sỹ Bình, Vũ Muộn, Nguyên Phúc, Dương Phong và Đôn Phong. Chăn nuôi lợn tại thị trấn Phủ Thông, Phương Linh, Tú Trĩ, Quân Bình, Cẩm Giàng.

Kết quả giai đoạn 2010 – 2015 đã đạt được là giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 434 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm. Tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Sản xuất nông nghiệp tập trung mở rộng diện tích theo hướng chuyên canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất như: Thực hiện các mô hình trồng lúa, đỗ xanh, cây thuốc lá, dong riềng và một số cây trồng khác, sản phẩm được thị trường chấp nhận. Hệ số sử dụng đất đạt trên 02 lần, so với nghị quyết đạt 105%. Có 1.100 ha diện tích đất ruộng đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha trở lên, trong đó có 500 ha đạt giá trị trên 70 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân 50,8 tạ/ha/năm. tổng sản lượng lương thực có hạt 2015 đạt 19.299 tấn, tăng 1.355 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực đầu người đạt 575 kg, tăng 70 kg/người so với năm 2010. Diện tích cây ăn quả được mở rộng. Từ năm 2010 đến 2014 đã trồng được 606 ha cây ăn quả (cây cam quýt là 571 ha, cây ăn quả khác 35 ha). Đến năm 2016, toàn huyện có trên 1.200 ha cây cam, quýt (có khoảng 800 ha đã cho thu hoạch, giá trị sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng/năm). Diện tích trồng cây thuốc lá bình quân hàng năm đạt 205 ha. Đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, chủ động phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh và áp dụng tiến bộ mới về giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến tính đến năm 2015, tổng đàn trâu, bò toàn huyện có 5.345 con, đàn lợn 27.800 con, đàn gia cầm 200.000 con…

Trên cơ sở kết quả đã đạt được của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII (2010 – 2015), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV (2015 – 2020) tiếp tục đề ra mục tiếp tục xây dựng huyện Bạch Thông trở thành vùng sản xuất hàng hóa; kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để thực hiện phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Bạch Thông xác định cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 – 2020

Thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm gắn với phát huy lợi thế của từng xã, cụm xã. Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao, xây dựng mô hình khoa học và công nghệ, áp dụng vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm tổn thất sau thu hoạch. Duy trì ổn định diện tích cây lương thực, tăng cường thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển vùng trồng rau sạch, rau an toàn để cung cấp cho thị trường Bắc Kạn. Tập trung trồng cây đặc sản có giá trị kinh tế cao (cây cam, quýt, cây khoai môn, cây thuốc lá, cây dược liệu…) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng quy hoạch mở rộng diện tích; áp dụng quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt hơn; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng theo quy trình VIETGAP.

Phát triển tiềm năng chăn nuôi chất lượng cao

Đẩy mạnh phát triển đàn lợn địa phương và đàn lợn Móng Cái theo nhu cầu của thị trường, đầu tư khoa học công nghệ vào xử lý môi trường trong chăn nuôi; cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống cũng như quy trình nuôi dưỡng. Phát triển đàn gia cầm, thủy cầm theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chú trọng phát triển các giống gà thịt và nuôi cá ao, hồ tại địa phương. Tập trung phát triển rừng sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế sâu bệnh, trong đó cần tập trung ưu tiên phát triển cây keo, cây quế… Thu hút đầu tư lâm nghiệp, tạo thu nhập từ rừng trồng; đầu tư phát triển hệ thống đường lâm nghiệp theo quy hoạch để phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp có hiệu quả.

Thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Tích cực huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đổi mới công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, coi thúc đẩy sản xuất nông – lâm nghiệp là công tác trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Trước mắt trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ gặp khó khăn, các cấp ủy, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí cận chuẩn như: Vệ sinh môi trường, văn hóa, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… Nhân rộng các mô hình, điển hình về xây dựng nông thôn mới, thi đua, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

Chú trọng vận động, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, nhất là những sản phẩm nông, lâm sản của huyện có giá trị kinh tế cao. Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (đá, gạch không nung…). Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đầu tư tiềm năng thương mại – dịch vụ

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ (như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,…), nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, đời sống như: Dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối… Tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các di tích lịch sử trên địa bàn để từ đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho du lịch, trong đó tập trung vào thị trấn Phủ Thông và xã Cẩm Giàng.

Phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại và các loại hình tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; trồng trọt, chăn nuôi; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… Tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có, đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình, hình thức quản lý, năng lực kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.

Tăng cường thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài chính. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, quan tâm nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn một cách bền vững. Quản lý chặt chẽ các hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý ngân sách. Tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp giữa chi nhánh ngân hàng với các phòng, ban, ngành của huyện trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh quy hoạch tổng thể giai đoạn 2016 – 2020

Quản lý thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; chủ trương xã hội hóa xây dựng bến xe, điểm dừng xe buýt, các khu dân cư mới và xây dựng cụm công nghiệp Cẩm Giàng… Tích cực thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, các nguồn tài trợ hợp pháp của các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Huy động mạnh mẽ nguồn lực trong dân, thực hiện chủ trương “Xã hội hóa”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nhà văn hóa, chợ xã… Nâng cao năng lực quản lý của các chủ đầu tư. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương

Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm kê, đánh giá tiềm năng về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả. Công bố công khai các thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại cơ quan quản lý Nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 02 tháng 7 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về “Ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Tăng cường thanh tra, kiểm tra tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý khoáng sản. Thực hiện kiểm tra việc chấp hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm đảm bảo nghiêm minh trong thi hành pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các trung tâm xã, thị trấn.