THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG CHO ĐÀN VẬT NUÔI

0

Tiêm phòng vac-xin cho đàn gia súc, gia cầm là giải pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng; Tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định. Do vậy, trong thời gian qua ngành chuyên môn và các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho đàn vật nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi.


 Tiêm phòng cho đàn gia súc đợt I/2022 tại xã Sỹ Bình

Là xã có tổng đàn gia súc khá lớn, trong những năm qua công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi luôn được cấp ủy, chính quyền xã Vũ Muộn quan tâm chỉ đạo, do vậy hàng năm tỷ lệ tiêm phòng của xã đều đạt khá so với kế hoạch. Bà Đàm Thị Hành – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết thêm: “Hàng năm ngay sau khi có kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng của huyện xã Vũ Muộn đều phân công thành viên Ban chỉ đạo xã phụ trách đôn đốc các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Qua tuyên truyền, vận động cơ bản các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều chủ động đăng ký tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đây là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho tổng đàn gia súc trên địa bàn xã phát triển ổn định”.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Bạch Thông có trên 3.300 con trâu; gần 1.200 con bò; trên 2.100 con dê; trên 15.500 con lợn…Theo kế hoạch, đợt I/2022 toàn huyện triển khai tiêm 2.800 liều vacxin lở mồm long móng; 2.800 liều tụ huyết trùng trâu, bò; 5.000 liều vacxin dại. Ngay sau khi có vacxin Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tiến hành cấp vacxin đảm bảo đủ về chủng loại theo chỉ tiêu giao của các xã, thị trấn. Để kế hoạch tiêm phòng đạt kết quả, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động đưa đàn vật nuôi về tập trung để tiêm phòng; phân công thành viên Ban chỉ đạo xã, thị trấn thường xuyên đôn đốc các thôn thực hiện tiêm phòng đạt kết quả…Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt tại các thôn vùng sâu, vùng xa việc triển khai tiêm phòng còn gặp một số khó khăn, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp so với kế hoạch…do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, nên vẫn chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình.
Theo ông Lăng Văn Thụy – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bạch Thông chia sẻ: “Vắc-xin là một loại chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, được đưa vào cơ thể để kích thích cơ thể chủ động tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút. Chỉ có vắc-xin để phòng bệnh mà không có thuốc điều trị đặc hiệu. Sử dụng vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động, an toàn, hiệu quả và rẻ tiền so với việc để dịch bệnh xảy ra điều trị mất nhiều thời gian và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, định kỳ để bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều và khó lường như hiện nay”.
Thực tế trong những năm gần đây tại một số địa phương đã xảy ra một số bệnh như: bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh lở mồm, long móng; tụ huyết trùng; dịch tả lợn châu phi…đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho nhiều hộ chăn nuôi. Do vậy, việc chỉ đạo quyết liệt của ngành chuyên môn và các xã, thị trấn cùng với sự chủ động phối hợp của người dân trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ, sẽ hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan…
Ngoài ra, việc chấp hành tiêm Vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hành vi không chấp hành các quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu trách nhiệm theo Luật thú y. Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không bắt buộc thực hiện việc phòng bệnh bằng vacxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi không tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm.
Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của xã, thôn để hỗ trợ bắt giữ gia súc, gia cầm phục vụ tiêm phòng bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vacxin theo kế hoạch./.

Thanh Tuyền