Hiện nay, trên 1.200 ha lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn ôm đòng, trỗ bông, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất của vụ lúa. Do đó việc chăm sóc lúa, thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời ở giai đoạn này sẽ quyết định đến năng suất, sản lượng thóc.
Diện tích lúa tại xã Vi Hương bị vàng lá do người dân chăm sóc không đúng kỹ thuật
Trong thời gian này đội ngũ cán bộ khuyến nông trên địa bàn huyện tăng cường bám nắm đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại lúa xuân để kịp thời hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Theo hướng dẫn của ngành chuyên môn ở giai đoạn lúa trỗ bông bà con nông dân không cần phải bổ sung thêm phân bón cho cây mà chỉ nên bón phân ở thời kỳ đón đòng. Bởi vì giai đoạn này cây đã đủ cung cấp dinh dưỡng từ làm đòng đến khi cây trổ bông. Tuy nhiên, theo chị Hoàng Thị Đàm – Công chức phụ trách Nông nghiệp xã Vi Hương cho biết: “Trong giai đoạn này việc cung cấp đủ nước cho cây lúa là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, bước vào giai đoạn lúa trỗ bông thì hoạt động trao đổi tổng hợp sẽ diễn ra ở mức mạnh mẽ. Vì thế bà con cần chú ý duy trì mực nước trong ruộng phải luôn đảm bảo đạt từ 5 – 7cm”.
Hiện nay, thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh gây hại, do đó bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại, đặc biệt chú ý đến một số loại sâu bệnh hay xuất hiện ở giai đoạn này như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, sâu cuốn lá, các loại rầy….
Cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại lúa xuân tại xã Tân Tú
Chị Triệu Thị Sơn – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khi phát hiện thấy vết bệnh hoặc sau các trận mưa giông, gió lớn cần phun phòng bằng các loại thuốc: Xatocine 40WP, Starner 20WP, Totan 200WP…phun đều trên lá, phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Đối với bệnh khô vằn và bệnh lem lép hạt: Phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Tilt super 300EC; NewTec 300 SC; Amistar top 325SC. Khi lúa bị bệnh bệnh đạo ôn cần phun trừ sớm bằng 1 trong những loại thuốc như: Filia 525SE, Trizole, Fuji-One,… Khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên tiến hành phun trừ bằng 1 trong các loại thuốc như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP, nấm xanh Metharium,… Giữ nước trong ruộng từ 3 – 5 cm khi phun trừ.
Bên cạnh việc chăm sóc, thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời trong thời kỳ trỗ bông theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bà con nông dân cũng cần kết hợp nhiều biện pháp khác như: Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại…nhằm hạn chế chuột gây hại và để cây lúa phát triển khỏe mạnh, nâng cao năng suất./.
Thanh Tuyền