Ngày Dân số thế giới là sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.
Nguồn gốc ngày Dân số thế giới 11/7
Ngày 11/7/1987, lúc 6h35 (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gaspar ra đời tại Thành phố Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia) và đây cũng là công dân thứ 5 tỷ của Thế giới. Lúc đó, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm vì coi đó là một chiến thắng mà loài người đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử. Nhưng với dân số 5 tỷ người lúc đó, loài người cũng nhận thức được hiểm họa lớn xảy ra do bùng nổ dân số đưa đến. Do đó ngày thế giới 5 tỷ người được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái và các quyền của con người không đủ điều kiện để thực hiện.
Trước hiểm họa của “Bùng nổ dân số”, Diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amrterdam (Thủ đô Hà Lan) tháng 11 năm 1989 đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gaspar 11/7 hàng năm là ngày Dân số thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe…
Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
Hằng năm, nhân Ngày Dân số Thế giới, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại. Nhiều năm trước, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) cũng đã kêu gọi tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản vào năm 2015 bao gồm: kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng các nhiễm khuẩn qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS.
Ý nghĩa ngày Dân số thế giới 11/7
Ngày Dân số thế giới là lúc chúng ta có những hành đồng và suy nghĩ để tìm ra các biện phát tích cực trong việc giảm gia tăng dân số, nang cao chất lượng cuộc sống, dân trí và cải tạo môi trường sống. Ngoài ra, Ngày Dân số Thế Giới 11/7 cũng là dịp nhắc nhở các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình dân số ở địa phương mình, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết TW IV đã nêu: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình phải là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động cụ thể của các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình. Không một tổ chức và cá nhân nào đứng ngoài cuộc vận động này”.
Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Năm nay, con số sẽ là 8 tỷ. Một số người sẽ ngạc nhiên về những tiến bộ trong y tế đã giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em và phát triển vắc-xin trong thời gian ngắn kỷ lục. Những người khác cũng sẽ vui mừng chào đón những đổi mới công nghệ đã giúp cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn và kết nối chúng ta hơn bao giờ hết. Những tiến bộ trong bình đẳng giới cũng đạt được.
Nhưng những tiến bộ đạt được đó không phải tất cả mọi người đều được hưởng. Vẫn còn có phụ nữ chết trong khi sinh nở. Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Công nghệ kỹ thuật số càng làm cho nhiều phụ nữ và người dân ở các nước đang phát triển bị tụt hậu. Thời gian qua, vắc xin COVID-19 vẫn không được phân phối đồng đều. Những mối quan ngại, thách thức như vậy đã được chỉ ra cách đây 11 năm hiện vẫn còn đó hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn như: Biến đổi khí hậu, bạo lực, phân biệt đối xử. Thế giới đã đạt đến một cột mốc đặc biệt nghiệt ngã vào tháng 5 năm nay: Trên toàn thế giới có hơn 100 triệu người buộc phải dời bỏ chỗ ở. Cũng có những quan ngại là thế giới đang ở bên bờ vực của tình trạng dân số quá tải khung khiếp hoặc dân số suy giảm nhanh chóng. Cả hai thái cực này đều cần các biện pháp để giảm bớt hoặc kích thích gia tăng dân số. Nhưng tác động về số lượng dân số trước đây đã cho thấy không thành công mà thay vào đó nó chỉ làm suy yếu các quyền con người, bao gồm cả quyền sinh sản khi phụ nữ bị buộc phải có nhiều hay ít con hơn trái với mong muốn của họ hoặc vì họ không được tiếp cận thông tin và dịch vụ để giúp họ đưa ra quyết định đó. Những điều này vốn đi ngược lại tinh thần của Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế Dân số và Phát triển (ICPD).
Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến sự khác biệt lớn về tuổi trung bình và tỷ lệ sinh giữa các quốc gia. Trong khi dân số của một số quốc gia đang già đi và có khoảng 60% dân số thế giới sống ở các quốc gia có mức sinh dưới mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ, thì các quốc gia khác có dân số trẻ rất lớn và không ngừng tăng lên. Nhưng trọng tâm cần tập trung vào con người chứ không phải dân số. Giảm bớt số lượng dân số làm mất đi tính nhân văn. Thay vì làm cho số lượng phục vụ cho hệ thống thì cần làm cho hệ thống phục vụ cho số lượng dân số bằng cách tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của con người.
Theo Ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc: “Mặc dù tốc độ gia tăng dân số toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới, nhưng dân số thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 20%-30% vào năm 2050 so với năm 2020. Việc có những ước tính chính xác về xu hướng dân số và dự báo đáng tin cậy về những thay đổi trong tương lai, bao gồm quy mô dân số và cơ cấu dân số theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý là cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện chính sách và là hướng dẫn để hỗ trợ các quốc gia đi theo con đường bền vững sự phát triển”. Ví dụ, khi mức sinh giảm phải chăng là do các bậc cha mẹ tương lai lo lắng về cách họ sẽ chu cấp cho một gia đình, tìm chỗ ở hợp túi tiền hay việc nghỉ sinh có thể cản trở con đường sự nghiệp của một người mẹ. Khi mức sinh tăng phải chăng là do sự lựa chọn của họ hoặc do phụ nữ không có kiến thức hay không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc đảm bảo tất cả mọi người đều được quan tâm có thể cho phép các chính phủ đánh giá tốt hơn nhu cầu của dân số đang thay đổi và vạch ra một con đường chắc chắn hơn để giải quyết những nhu cầu đó về khả năng phục hồi nhân khẩu học.
Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn được củng cố bởi các quyền và lựa chọn. Nhưng sân chơi không và chưa bao giờ bình đẳng. Vì giới tính, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, khuyết tật và nguồn gốc, cùng với các yếu tố khác, vẫn còn quá nhiều người bị phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không quan tâm đến những người bị bỏ lại phía sau./.
Nguồn: Tổng hợp