Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bạch Thông luôn quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, góp phần quản lý tốt và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Tổ tiết kiểm và vay vốn thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc do bà Hoàng Thị Yên làm tổ trưởng có hơn 40 tổ viên tham gia, chủ yếu có nhu cầu về vốn để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, tổ tiết kiểm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; đôn đốc các hộ vay trả lãi đúng hạn. Đồng thời, tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Đã có nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi bà Hoàng Thị Yên – Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Nà Rào, xã Nguyên Phúc cho biết. “Tổ tiết kiện và vay vốn của thôn hiện nay dư nợ hơn 3 tỷ, chủ yếu vay vốn các chương trình và phát huy hiểu quả. Là tổ trưởng tôi luôn kịp thời nắm bắt những thông tin mới về chính sách, nguồn vốn tín dụng để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên tham gia bình xét vay vốn công khai, dân chủ, minh bạch, phân tích cụ thể từng trường hợp, ưu tiên những hoàn cảnh khó khăn được vay trước. Các chương trình như vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay hỗ trợ việc làm, mở rộng việc làm, vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 100% tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm và phát huy hiểu quả vốn vay”.
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện giao dịch giải ngân và thu lãi hàng tháng tại xã Nguyên Phúc.
Hiện nay, ngoài số cán bộ chuyên môn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bạch Thông đang thực hiện nhiệm vụ, còn có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện, cấp xã, các trưởng thôn/tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động của các tổ TK&VV theo nguyên tắc tự nguyện, cùng giúp đỡ nhau trong vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm theo quy định. Ban quản lý tổ TK&VV có nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai những hộ có đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, có sự quản lý, hướng dẫn, giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và phê duyệt của UBND cấp xã về đối tượng vay vốn.
Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các tổ TK&VV là một bộ phận không thể thiếu trong mô hình hoạt động triển khai tín dụng chính sách của NHCSXH. Hoạt động của các tổ TK&VV có tính chất quyết định đến chất lượng tín dụng trên địa bàn, vì vậy, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hằng tháng Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp thực hiện rà soát, chấm điểm phân loại làm cơ sở cho việc sắp xếp, củng cố lại các tổ TK&VV hoạt động yếu kém. Ông Triệu Nguyễn Luyến – Chủ tịch UBND xã Nguyên Phúc cho biết. “ Trong năm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Nguyên Phúc đều thực hiện triển khai các văn bản liên quan đến đối tượng vay vốn, tổ vay vốn tổ chức họp xét và phân bổ nguồn vốn theo các chương trình vay cho đối tượng phát triển sản xuất kinh doanh, học sinh sinh viên, hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo phát huy hiệu quả”
Trong tổng số 185 tổ TK&VV trên địa bàn huyện hiện nay, Hội Phụ nữ quản lý 62 tổ, Hội Nông dân quản lý 58 tổ, Hội Cựu chiến binh quản lý 30 tổ, Đoàn Thanh niên quản lý 35 tổ; bình quân 01 tổ TK&VV có 28 tổ viên. Dư nợ bình quân hơn 1,9 tỷ đồng/tổ. Theo đánh giá của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, có 182 tổ TK&VV xếp loại tốt, không có tổ TK&VV hoạt động yếu kém. Ông Trần Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết. “ Tổ TK&VV được thành lập để tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn của Phòng giáo dịch NHCSXH huyện để sản xuất, kinh doanh; cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất. Phòng giao dịch NHCSXH đánh giá, xếp loại tổ hằng tháng, tập huấn nghiệp vụ ủy thác, theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Nội dung tập huấn gồm: Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức chính trị xã hội, Ban quản lý tổ TK&VV, công tác thực hành tiền gửi thông qua tổ TK&VV, cách ghi chép, lưu giữ hồ sơ sổ sách liên quan đến công tác ủy thác; phối hợp với cơ quan chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất hiệu quả… ”
Năm 2022, doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 133 tỷ đồng, tăng so với năm 2021 gần 26,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 362,7 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31/12/2021 là gần 48,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15,6%. Đạt được kết quả này có vai trò rất quan trọng của các tổ tiết kiệm và vay vốn./.
Ngọc Diệp