NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

0

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn của huyện quan tâm chỉ đạo. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 47% đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi cá nước ngọt do huyện tổ chức anh Triệu Văn Cường – thôn Nà Phải, thị trấn Phủ Thông đã tích cực áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn nhờ vậy hàng năm ao cá của gia đình anh đều phát triển tốt, cá lớn nhanh, ít bị bệnh. Anh Cường cho biết: “Sau khóa học gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo ao nuôi, đầu tư chăn nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng sản xuất hàng hóa. Với 1.000 m2 ao hiện có, mỗi năm gia đình tôi thả 02 lứa cá rô phi đơn tính, trừ chi phí thu về gần 40 triệu đồng/năm”.

Thông qua các lớp đào tào nghề lao động ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ và lao động ở các vùng khó khăn đã được giảng dạy các kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, từng bước từ bỏ các thói quen canh tác lạc hậu, chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Phần lớn số lao động đã được tham gia các lớp đào tạo nghề đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề…mang lại hiệu quả hơn trong sản xuất. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương sát với tình hình thực tế, đặc biệt là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động một cách hiệu quả.

 Lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây có múi tại xã Đôn Phong

Nhìn chung, công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khoá học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, theo ông Ngô Hồ Nam – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Bạch Thông cũng gặp những khó khăn nhất định: “Nhận thức của người lao động nông thôn về học nghề và lao động có tay nghề còn hạn chế, chưa thực sự nhiệt tình tham gia đầy đủ khóa học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề chưa được thường xuyên, thiếu giáo viên cơ hữu. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế so với yêu cầu, kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình cho học viên sau đào tạo nghề không có…”.

Lớp dạy nghề hàn cho học sinh tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động, nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có khả năng giải quyết được việc làm sau khi học nghề. Thường xuyên điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và sát với nhu cầu của người dân phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Thực hiện đa dạng các loại hình, hình thức đào tạo nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu việc làm của người lao động. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người lao động học nghề. Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh./.

Thanh Tuyền