Dịp đầu xuân, nhiều địa phương trên địa bàn huyện tổ chức các lễ hội vui xuân nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, hướng đến những điều tốt đẹp năm mới. Bên cạnh những hoạt động văn nghệ, thể thao sôi động, người dân và du khách còn được hòa mình vào trò chơi dân gian, những nghi lễ tâm linh qua đó góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống.
Trò chơi tung còn không thể thiếu trong các lễ hội Lồng Tồng đầu năm mới tại các địa phương
Không có nhà thi đấu hoành tráng, không có khán đài, trên những khu đất trống, hay dưới những thửa ruộng, các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi, hào hứng. Không phân biệt đâu là người chơi, đâu là khán giả, tất cả đều hòa mình vào cuộc chơi. Mỗi trò chơi đều mang trong mình những ngụ ý mà người dân muốn gửi gắm. Phổ biến và cũng được nhiều người dân yêu thích nhất là trò chơi tung còn. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa dựng cột còn làm bằng một cây vầu cao bên trên có gắn khung còn hình tròn. Dù Ban tổ chức chỉ trao những món quà nhỏ nhưng người chơi vẫn ra sức tung còn cho thật cao, thật trúng với những mong ước cho riêng mình. Ông Phùng Đức Tiến, thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông chia sẻ: “Cảm giác khi tung còn trúng tâm thật khó diễn tả cảm xúc. Không chỉ mình vui mà tất cả người chơi, người dân và Ban tổ chức đều phấn khởi vì tin tưởng rằng sẽ có những điều may mắn, thuận lợi trong năm mới. Chẳng có bí quyết gì nhiều, quan trọng là may mắn và cái duyên khi ném còn thôi”,
Nếu như trò đi cà kheo đòi hỏi sự khéo léo của người chơi, thì trò bịt bắt dê, hay bịt mắt đánh trống lại cần đến sự cảm nhận nhạy bén của nhiều giác quan và cả sự chỉ dẫn của khán giả. Sau mỗi lần chơi dù có thắng hay không, những khán giả có mặt tại đó đều dành cho người chơi những tràng vỗ tay động viên. Không khí của lễ hội xuân vì thế mà vui tươi hơn, cởi mở và thắm tình hơn.
Đặc biệt, đầu xuân, du khách hào hứng xem người Tày ở xã Quân Hà hóa thân thành muông thú trong điệu múa Nộc Niệc truyền thống. Theo truyền thuyết, xưa có nàng Vo, nàng Ve xinh đẹp đã đánh bại thủy thần, cứu nguy cho dân lành. Vua Thủy tề tức giận tạo lụt lớn, thuồng luồng theo sông, theo suối lên bắt người, làm núi đồi sạt lở. Nàng Vo, nàng Ve đã ra tay chặn đánh thủy thần đưa dân chạy lên dãy núi Phja Bjoóc. Từ đó người dân đã lấy khẩu phéc trộn đường phên nặn thành các con vật để thể hiện trong điệu múa Nộc Niệc để ca ngợi sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên. Ông Quách Văn Dụ xã Quân hà cho biết: “Múa Nộc Niệc là điệu múa đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến năm 1989 mới được những người cao tuổi ở vùng đất Hà Vị sưu tầm. Từ năm 1995, điệu múa này được phục dựng lại trong dịp hội xuân.”
Sau 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19, các lễ hội xuân lại được tổ chức ở khắp các địa phương trong huyện mang lại không khí vui tươi, phấn khởi. Tại những lễ hội xuân, các trò chơi dân gian được tổ chức không chỉ hâm nóng không khí của lễ hội, xua đi những mệt nhọc, lo toan sau một năm lao động vất vả, hướng mọi người đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Qua mỗi trò chơi, thế hệ trẻ hiểu biết được phần nào những thú chơi và nét văn hóa của cha ông ngày trước. Để từ đó giữ gìn, phát huy và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Đào Kiên