LỜI RU BUỒN TRÊN NON

0

Vì cuộc sống, nhiều lao động ở khu vực nông thôn đã chọn cho mình con đường xa nhà mưu sinh. Tuy nhiên, phía sau những chuyến “ly hương” là câu chuyện được – mất nghe đến nao lòng.

 Thôn Lủng Lầu xã Đôn Phong có nhiều cặp vợ chồng đi làm tại các công ty có vấn đề về tình cảm vợ chồng

Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong là thôn vùng cao, nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Dao. Giữa trưa thanh vắng, trong căn nhà nhỏ nằm ven đồi giọng ru con của người đàn ông trung niên cất lên buồn buồn. 5 năm nay, từ khi vợ đi làm công nhân dưới xuôi không về, anh Lý Văn S. Rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”, vốn là người hiền lành, ít nói nên phải trò chuyện rất lâu anh S mới mở lòng về hoàn cảnh gia đình: “Thấy nhiều trong thôn đi làm công nhân có tiền, vợ tôi cũng muốn đi. Tôi khuyên đợi con lớn rồi hãy đi, vợ không nghe lời nên bỏ trốn. Mấy ngày đầu không có mẹ ở bên thằng bé khóc tìm suốt. Nhưng dần rồi nó cũng quen và gần như không còn nhớ mặt mẹ, vì cô ấy mấy năm nay không về thăm nhà, ít gọi điện và cũng chẳng gửi tiền về chu cấp nuôi con”.

Cách nhà anh S không xa, bà Lý Thị Ch không nghỉ trưa mà chăm sóc cháu ngoại bị ốm. Từ ngày con gái bỏ chồng, bỏ con theo người khác, vợ chồng bà Ch phải chăm nuôi cháu ngoại. Theo bà Ch kể, nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ khi con gái bà đi làm công ty ở Bắc Ninh, gặp người tán tỉnh rồi bỏ chồng. Vợ chồng ly hôn, con lớn ở với bố, đứa nhỏ về với ông bà ngoại. Bà Ch giọng đầy trách móc: “Con gái mình tệ lắm, không biết thương con, thương chồng gì cả. Chồng nó hiền như cục đất ấy thế mà đi công ty rồi bỏ gia đình. Gọi điện khuyên nhủ nó không nghe máy mà nó cũng chẳng gửi tiền về nuôi con”.

Theo  đồng chí Triệu Thị Nguyệt – Bí thư Chi bộ thôn Lủng Lầu cho biết: Toàn thôn có 30 hộ dân, hơn 10 hộ có người chủ yếu là phụ nữ đi lao động tại các công ty, nhà máy, 6 gia đình có trục trặc về tình cảm vợ chồng, thậm chí đã ly hôn. Nhắc đến chuyện này, ông Triệu Thanh Bảo, người già trong thôn thở dài: “Chẳng hiểu mấy đứa trẻ nghĩ gì nữa. Đi ra ngoài làm việc là để cuộc sống tốt hơn chứ sao lại bỏ bê gia đình như thế”.

Được biết đến là người hiền lành, chăm chỉ, nhưng kể từ khi chuyện vợ chồng rạn nứt, anh V  trú tại xã Sỹ Bình trở nên ít nói, khép mình hơn. Kinh tế thuộc diện bình thường, vì muốn vợ không phải làm nông vất vả, anh V để vợ đi làm công ty ở Bắc Ninh. Khoảng 3 năm sau, anh phát hiện vợ mình có người khác và buồn hơn là vợ anh vi phạm pháp luật, hiện vẫn đang chấp hành án. Nhớ lại những gì đã qua, anh V buồn cho mình một thì thương con mười. Anh bảo: “Giá như ngày ấy mình không cho vợ đi làm công ty thì có lẽ bây giờ mái ấm của gia đình vẫn bình yên”.

Bà Nông Thị V – 77 tuổi, trú tại thôn Nam Lanh Chang, xã Lục Bình nhiều năm nay lủi thủi một mình và cáng đáng công việc ruộng đồng, chăm sóc cháu ngoại cho vợ chồng con gái đi làm công nhân tại Bắc Ninh. Không còn đủ sức nên một phần ruộng bà V đã cho người khác thuê, phần còn lại bà vẫn cố cày cấy để có thêm phần thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.

Không chỉ ở xã Cao Sơn hay xã Lục Bình, thực trạng lao động trẻ đi làm ăn xa, ở quê chỉ còn đa số là người già, trẻ em phổ biến ở huyện Bạch Thông. Điều này dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương cũng như ảnh hưởng đến hoạt động phong trào của các hội, đoàn thể. Anh Hoàng Văn Sang – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đôn Phong cho biết: “Toàn xã có 130 thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn, nhưng chỉ có khoảng 45 – 50 người thường xuyên có mặt tại địa phương, còn phần lớn đi học và làm ăn xa. Thiếu hụt lực lượng đoàn viên, thanh niên khiến cho các hoạt động chung của Đoàn xã và các chi đoàn gặp khó khăn. Nhiều sự kiện quan trọng, Đoàn Thanh niên phải phối hợp với các đơn vị trường học hay các hội khác để bảo đảm nhân lực tham gia.”

Hiện nay tình trạng các cặp vợ chồng trẻ rời quê đi làm ăn xa đang ngày càng phổ biến và đây cũng là một thách thức lớn vì phía sau đó vẫn còn nhiều nỗi đau đáu những hệ lụy cần sự quan tâm hạn chế thấp nhất những hệ lụy đó của những người trong cuộc, của cấp ủy, chính quyền địa phương và của xã hội./.

Đào Kiên