GIỚI THIỆU SÁCH: “NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ AN NINH BIÊN GIỚI”

0

Bạn đọc thân mến!

Biên giới quốc gia là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩ đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước. Góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và thoàn thể nhân dân, mà trực tiếp và thường xuyên là nhân dân ở khu vực biên giới.

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta luôn đề cao tinh thần dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Trong đó sức mạnh tổng hợp chính là sự đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. 54 dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam bao đời nay cùng chung lưng đấu cật giữ gìn giang sơn xã tắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang dùng mọi thủ đoạn để chống phá nước ta từ bên ngoài lẫn bên trong nhằm phá hoại sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta. Cuốn sách “Những điều cần biết về an ninh biên giới” của  Cục chính trị – Bộ tư lệnh Biên phòng biên soạn, được nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2012 nhằm giúp đồng bào các dân tộc có nhận thức đầy đủ hơn về chủ quyền biên giới quốc gia để nâng cao trách nhiệm, chung tay, góp sức với bộ đội biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đất liền. Đồng thời thông qua những câu chuyện, tình huống cụ thể trong cuộc sống để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào tự giác thực hiện tốt các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền; góp phần giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm vùng biên giới trong tình hình mới.

Mặc dù huyện ta và tỉnh Bắc Kạn không có vùng biên giới, nhưng tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng là một tỉnh có vùng biên giới trên đất liền với nước Trung Quốc. Những đường biên giới đó chỉ cách chúng ta từ 200-300 km, cũng là rất gần để chúng ta có những dịp đi thăm quan, tìm hiểu và ý thức được trách nhiệm, nêu cao được tinh thần xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Vậy còn gì thiết thực hơn nếu trước khi có dịp được đi thăm biên giới, các bạn hãy cùng đến Thư viện huyện Bạch Thông để tìm đọc cuốn sách này. Trân trọng gửi đến bạn đọc!

THANH HOA