Cố Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa là người dân tộc Tày, sinh năm 1931, tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ông là người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Tày như các câu truyện dân gian, các bài thơ, điệu then, sli, lượn, các nghi lễ, phong tục truyền thống về lễ hội, cưới hỏi,… Ông còn dành nhiều công sức để dịch các tác phẩm thơ văn bằng tiếng Tày sang tiếng phổ thông và cũng là tác giả của nhiều bài thơ, văn bằng tiếng Tày. Với những đóng góp của mình, tháng 1/2016 Cố nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Cố Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa dành cả cuộc đời nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng
Tôi đã nhiều lần vinh dự được ghé thăm cố nghệ nhân Nhân dân trong căn gác nhỏ đơn sơ ở phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông. Lần nào đến gặp, ông cũng đang ngồi miệt mài ghi chép, tỉ mẩn và hết sức tâm huyết. Được biết, năm 1952, cố Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa công tác ở Ty Văn hóa Bắc Kạn. Từ sự yêu thích ban đầu, ông ghi chép tỉ mỉ lại những bài thơ, bài mo, lời then, lời pụt, kỳ yên vào những cuốn sổ tay. Đi đến đâu thấy cái hay, cái lạ ông lại cẩn thận hỏi han, ghi chép lại và lưu giữ những cuốn sổ ấy như báu vật. Cũng chính bằng niềm đam mê, trân quý và mong muốn bảo tồn những giá trị truyền thống, cố nghệ nhân Nhân dân đã dành trọn cuộc đời để gắn bó với văn hóa nguồn cội. Sinh ra và lớn lên giữa bản làng người Tày, cố nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa yêu quý và trân trọng văn hóa như cuộc sống của chính mình. Lúc sinh thời Cố nghệ nhân Nhân Dân Hoàng Hóa cho biết: “Đến nay, tôi vẫn thường nhớ về những câu hát Tày của bà, của mẹ. Rồi những khung cảnh lễ hội trên đồng ruộng, tiếng hát lượn, đám cưới Tày truyền thống… vẫn hiện về trong tâm trí tôi” Không chỉ lưu giữ văn hóa cổ xưa, cố Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa còn có những tư liệu quý báu nhờ nhiều năm hoạt động trong ngành Văn hóa. Từ năm 1952, ông đã công tác ở Ty Văn hóa Bắc Kạn.
Từ sự yêu thích ban đầu, ông đã ghi chép tỉ mỉ lại những bài thơ, bài mo, lời then, lời pụt, kỳ yên vào những cuốn sổ tay. Từ thói quen ấy, ông đam mê sưu tầm lúc nào không hay. Đi đến đâu thấy cái hay, cái lạ ông lại cẩn thận hỏi han, ghi chép lại và lưu giữ những cuốn sổ ấy như báu vật. Cũng chính bằng niềm đam mê, chân quý và mong muốn bảo tồn những giá trị truyền thống, cố nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa đã dành trọn cuộc đời mình để gắn bó với văn hóa nguồn cội. Nhận thấy việc ghi chép, lưu giữ lại chưa đủ, ông còn dịch thơ, dịch sách từ tiếng Tày cổ ra chữ phổ thông. Ngoài ra, ông phổ lời nhiều bài dân ca như sli, lượn, pụt, then của dân tộc Tày- Nùng. Rất nhiều sáng tạo mang tên Hoàng Hóa đã được phát trên các Đài Phát thanh Việt Bắc, Bắc Thái, Bắc Kạn và được biểu diễn trong các hội diễn quần chúng. Song song với đó, ông còn sáng tác thơ với các tác phẩm tiêu biểu như: “Tẻo Chợ Đồn”, “Nắng đợi”, “Anh yêu cả hai”… Đặc biệt, tác phẩm nhạc hát “Đời đời mang ơn các anh hùng liệt sĩ Phủ Thông” do ông sáng tác đã được Tạp chí Văn hóa các dân tộc của Trung ương Hội Văn học nghệ thuật xuất bản năm 2009. Năm 1982, ông về hưu và tập trung nhiều hơn cho việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Cố Nghệ nhân Hoàng Hóa tập trung hoàn thiện cho những công trình, tác phẩm văn hóa phi vật thể. Để rồi ông quyết định mang hơn 20 tác phẩm văn hóa văn nghệ dân gian mà ông tâm huyết “hiến tặng” cho Bảo tàng tỉnh, đó đều là những tư liệu quý hiếm và bổ ích về đồng bào dân tộc Tày- Nùng tỉnh Bắc Kạn.
Với nỗ lực và đóng góp của mình, nghệ nhân Hoàng Hóa đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng kỷ niệm chương. Đến năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Đào Kiên