* Lịch sử hình thành:
Thời dựng nước, các Vua Hùng chia nước Văn Lang thành 15 bộ, Bạch Thông thuộc bộ Vũ Định.
Thời kỳ Bắc thuộc từ năm 179 TCN đến năm 938 SCN, dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, Bạch Thông lúc nằm trong quận Giao Chỉ, khi thuộc Châu Long, lúc nằm trong châu Võ Nga. Từ đời nhà Trần trở về trước, Châu bạch Thông có tên gọi Vĩnh Thông.
Thời thuộc Minh, huyện Vĩnh Thông thuộc phủ Thái Nguyên. Đời Lê, năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi tên thành Châu Bạch Thông.
Châu Lỵ Bạch Thông được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đặt tại xã Dương Quang. Thành lũy được đắp bằng đất, cao 5 thước (khoảng 1,66m), chu vị là 58 trượng (khoảng 192,56m).
Cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, tỉnh Thái Nguyên bị xóa bỏ, thực dân Pháp đặt châu Bạch Thông (Phủ Thông Hóa) thuộc tiểu quân khu Cao Bằng, nằm trong đạo quân binh II Lạng Sơn.
Ngày 11/4/1900, thực dân Pháp quyết định tách Phủ Thông Hóa ra khỏi tỉnh Thái Nguyên, thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm các châu: Bạch Thông, Chợ rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn).
Ngày 25/6/1901, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định rút tổng Yên Đĩnh khỏi huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhập về Châu Bạch Thông (Bắc Kạn). Lúc này, thị xã Bắc Kạn vừa là tỉnh lỵ, vừa là châu lỵ Bạch Thông.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có Nghị quyết số 103-NQ/TVQH về hợp nhất tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, Bạch Thông là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Bắc Thái gồm 28 xã, thị trấn.
Tháng 4/1967 thị xã Bắc Kạn sáp nhập vào huyện Bạch Thông và trở thành thị trấn huyện lỵ Bạch Thông
Tháng 11/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định tái lập thị xã Bắc Kạn, thị xã tách ra khỏi Bạch Thông, huyện lỵ Bạch Thông chuyển về thị trấn Nguyễn Minh Khai.
Tháng 11/1996, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ X ra nghị quyết về việc tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, Bạch Thông là 1 trong 7 huyện của tỉnh Bắc Kạn. Trên cơ sở tiếp nhận thêm 10 xã phía Bắc của huyện Phú Lương chuyển về, lúc này Bạch Thông có 38 xã, thị trấn.
Tháng 5/1997, Chính phủ có Nghị định số 56-NĐ/CP về việc chuyển giao 04 xã, 01 thị trấn về thị xã Bắc Kạn, Bạch Thông còn 33 xã, thị trấn.
Tháng 7/1998 Chính phủ có Nghị định số 46-NĐ/CP về việc thành lập huyện Chợ Mới, sau khi chuyển giao 15 xã, 01 thị trấn về huyện Chợ Mới;Huyện Bạch Thông còn lại thị trấn Phủ Thông và 16 xã gồm: Cẩm Giàng, Cao Sơn, Đôn Phong, Dương Phong, Hà Vị, Lục Bình, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Phương Linh, Quân Bình, Quang Thuận, Sỹ Bình, Tân Tiến, Tú Trĩ, Vi Hương, Vũ Muộn.
Tháng 9/1999, trụ sở các cơ quan huyện Bạch Thông chuyển từ phường Nguyễn Thị Minh Khai lên thị trấn Phủ Thông, thị trấn Phủ Thông trở thành huyện lỵ Bạch Thông.
Thực hiện Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 ngày 10 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Bạch Thông sáp nhập xã Quân Bình, xã Hà Vị thành xã Quân Hà, sáp nhập xã Tân Tiến, xã Tú Trĩ thành xã Tân Tú và sáp nhập xã Phương Linh vào thị trấn Phủ Thông.
Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập huyện Bạch Thông hiện có 14 đơn vị hành chính là thị trấn Phủ Thông và 13 xã gồm: Cao Sơn, Vũ Muộn, Sĩ Bình, Vi Hương, Tân Tú, Lục Bình, Quân Hà, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Mỹ Thanh, Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong.
* Điều kiện tự nhiên
– Vị trí địa lý, Bạch Thông có diện tích 546,49 km2, là huyện ở trung tâm của tỉnh Bắc Kạn giáp ranh với hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Kạn, phía Đông giáp huyện Na Rì; phía Tây giáp huyện Chợ Đồn; phía Nam giáp thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Mới;Phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn và Ba Bể. Thị trấn Phủ Thông là huyện lị của huyện, cách thành phố Bắc Kạn 18 km về phía Bắc theo Quốc lộ 3
– Địa hình: Huyện có địa hình đặc trưng miền núi, bị chia cắt mạnh, có độ dốc lớn, hướng núi không đồng nhất. Độ cao trung bình phổ biến từ 400 – 700 m so với mặt nước biển, nơi có địa hình cao nhất là 1.241 m.
– Khí hậu: Bạch Thông có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm 220C. Lượng mưa trung bình năm 1.586mm. Tổng số giờ nắng trung bình năm 1.555,7 giờ. Độ ẩm không khí trung bình 84%. Bạch Thông nằm sâu trong lục địa và được các dãy núi cao che chắn nên ít chịu ảnh hưởng của bão. Nhìn chung, Bạch Thông có khí hậu thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông – lâm nghiệp.
– Sông suối: Huyện Bạch Thông có hệ thống sông suối khá dày đặc trực tiếp chi phối chế độ thủy văn của huyện gồm: Hệ thống lưu vực đầu nguồn Sông Cầu, suối Đôn Phong, Suối Na Cù, Suối Nặm Cắt. Ngoài các sông, suối chính trên, huyện còn có nhiều con suối nhỏ phân bố ở khắp các xã trong huyện.
– Hệ động vật, thực vật: Huyện Bạch Thông có hệ động, thực vật khá phong phú, đặc biệt huyện có trên 3.800 ha đất rừng đặc dụng nằm trong vùnglõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với đặc thù là hệ sinh tháirừng núi đá vôi vô cùng phong phú, nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, có 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Về thực vật, có 798 loài thực vật bậc cao, 65 loài quý hiếm, thuộc 46 họ có giá trị cao như: Nghiến, Trai lý, Đinh, Lát hoa, Du Sam núi đá, Thiết sam giả, Lan kim tuyến, Trúc dây…một số loài lan là đặc hữu, chỉ phát hiện thấy duy nhất ở vùng này.
*Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện:
Các tuyến đường giao thông qua địa bàn huyện gồm: Đường Quốc lộ 3, chiều dài 18 km; Quốc lộ 3B, chiều dài 24 km. Đường tỉnh (ĐT 258) chiều dài 7 km; ĐT 253B chiều dài 29 km. Đường huyện: 08 tuyến với tổng số 45,5 km; Đường xã: 99 tuyến với tổng số 156,60 km; Đường giao thông nông thôn (đường trục nội đồng, thôn xóm …): 209 tuyến đường với tổng chiều dài 136,61 km.
* Tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội
– Đất đai: Là huyện có thế mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, Bạch Thông có 52.859,6 ha đất nông nghiệp, chiếm 96,72 % diện tích đất tự nhiên, trong đó có 2.484,7 ha đất trồng lúa, 3.971 ha đất trồng cây ăn quả, 47.198,2 ha đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất 25.813,4 ha, đất rừng phòng hộ 16.882,1 ha, đất rừng đặc dụng 4.502,8 ha). Đất đai ở Bạch Thông thích hợp trồng các loại lương thực (lúa, ngô), các cây màu (sắn, giong riềng, rau, đậu các loại), cây ăn trái (cam, quýt, mơ lông, hồng không hạt…), cây lâm sản (các loại cây gỗ lớn như lát, sao, xoan, mỡ…), cây dược liệu (hồi, quế, sa nhân, gừng). Người nông dân ở Bạch Thông đã tiếp thu nhanh những tiến bộ KHKT ứng dụng vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Bạch Thông nổi tiếng với sản phẩm cam quýt Quang Thuận được đã được cấp chỉ dẫn địa lý, một số diện tích đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP.
– Tài nguyên rừng: Rừng tự nhiên phân bố ở các xã phía Đông, Bắc và phía Tây của huyện với các loài cây bản địa và những loài gỗ quý hiếm như nghiến, trai, lý… Thảm thực vật rừng chủ yếu là rừng tái sinh, trữ lượng lâm sản trung bình.
– Khoáng sản: Bạch Thông có quặng sắt và chì, kẽm, đá vôi, cát, sỏi,…Tuy nhiên do trữ lượng ít, hàm lượng quặng thấp nên khai thác kém hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn có các mỏ sét với trữ lượng khá lớn đang được khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng.
– Du lịch: Huyện Bạch Thông nằm trong chuỗi du lịch di sản văn hóa thuộc các tỉnh vùng Đông Bắc với các điểm di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp như di tích lịch sử Nà Tu, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, thác Vằng Áng (xã Vi Hương), bãi đá Bản Chiêng (xã Đôn Phong), thôn nông thôn mới kiểu mẫu Phiêng An (xã Quang Thuận)là tiềm năng cho phát triển du lịch.
Cách thị trấn Phủ Thông không xa,khu thác nước Vằng Áng (xã Vi Hương), cứ mỗi dịp hè rất nhiều du khách đến đây để khám phá, trải nghiệm. Điều mà mọi người ưa thích chính là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với các tầng thác nước từ đỉnh núi Phja Boóc nối đuôi nhau chảy xuống, mang theo dòng nước mát trong lành cùng với các bãi tắm lớn nhỏ, xen kẽ bởi những hòn đá mồ côi với nhiều hình thù rất đẹp.Quanh khu vực Vằng Áng là cộng đồng người Tày, Dao cùng sinh sống, sản xuất, ổn định từ bao đời nay. Với vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, khu thác nước Vằng Áng thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá thiên nhiên…
Ngoài ra, Bạch Thông còn nhiều địa điểm du lịch sinh thái mang vẻ đẹp tự nhiên nhưng chưa được khai phá như bãi đá ở thôn Bản Chiêng (xã Đôn Phong) nằm trên dải suối Nặm Cắt; Thác Roọm (xã Quang Thuận) hay đơn giản chỉ là vẻ đẹp mộc mạc của vùng quê nông thôn nhưng thực sự lôi cuốn du khách muốn tham gia trải nghiệm như khu dân cư Phiêng An (xã Quang Thuận). Nhịp sống thanh bình với những bãi chè xanh mướt, những vườn cây ăn quả đủ loại như cam, quýt, nhãn, ổi…, những con đường nông thôn mới sạch đẹp và tinh thần hăng say lao động của người dân đã tạo cho Phiêng An một diện mạo mới, là khu dân cư kiểu mẫu của huyện, tỉnh. Vào những ngày nghỉ, nhiều du khách đến đây để tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
-Dân số: Bạch Thông có trên 31.000 người gồm 5 dân tộc chiếm đa số là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa và một số ít dân tộc khác như: Sán Chí, Mường, Mông… cùng sinh sống đan xen tại 147 thôn, tổ phố. Mỗi dân tộc đều có nét bản sắc văn hóa riêng hòa chung trong sự phong phú của nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mật độ dân số: 56.92 người/km2. Người Bạch Thông vốn thân thiện, thông minh, sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên, nhiều người có tay nghề cao, là tiền đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.
–Các di tích, danh thắng:
NÀ TU
Khu di tích lịch sử Nà Tu thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, di tích nằm trên tuyến đường Quốc lộ 3 đường đi Cao Bằng, cách thành phố Bắc Kạn 9 km về phía Bắc. Đây là nơi đóng quân của Phân đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo về cầu Nà Cù (cây cầu trọng yếu trên tuyến Quốc lộ 3 để đảm bảo giao thông trên tuyến được thông suốt, phục vụ cho tiền tuyến).
Tháng 3 năm 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tới vùng Biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm các lực lượng thanh niên xung phong và một số đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.Ngày 28/3/1951, tại Khu rừng Nà Tu, Phân đội thanh niên xung phong 312 đã vinh dự được đón Bác, đi cùng Bác còn có đồng chí Trần Đăng Ninh- Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực, sau khi ân cần thăm hỏi, Bác đọc tặng Phân đội thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ:
“ Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
ĐỒN PHỦ THÔNG
Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn thị trấn Phủ Thông. Tại đây quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông, đây là những trận công đồn đầu tiên khẳng định bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954.
Ngoài hai di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia trên, Bạch Thông còn có 07 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử Nà Mặn xã Vi Hương;di tích lịch sử Khuổi Lừa, xã Phương Linh (nay là thị trấn Phủ Thông); di tích lịch sử mộ đồng chí Bàn Văn Hoan, xã Quang Thuận; di tích lịch sử – văn hóa Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương;di tích lịch sử Khau Cưởm xã Sỹ Bình;di tích lịch sử Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; di tích lịch sử nhà Ông Hoàng Văn Lường xã Quân Bình (nay là xã Quân Hà) và có 13 di tích lịch sử đã được đưa vào danh mục kiểm kê.
– Các lễ hội truyền thống tiêu biểu: Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông là một trong các lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm thu hút đông đảo du khách gần xa đến trẩy hội và trải nghiệm. Ngoài ra còn Lễ hội Lồng Tồng Hà Vị tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng (âm lịch) có quy mô cũng khá lớn, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh./.
Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn: Tổng hợp