7 năm thực hiện việc sáp nhập các trường học, dồn ghép các điểm trường trên địa bàn huyện từ năm học 2015-2016 đến năm học 2022-2023 đến nay, mạng lưới các trường học trên địa bàn huyện đã đi vào ổn định và phù hợp với tình hình phát triển thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Dương Phong sau khi sáp nhập mang lại những lợi ích cụ thể nâng cao chất lượng giáo dục
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Dương Phong hiện có 12 lớp trong đó bậc tiểu học 8 lớp, bậc THCS 4 lớp với 271 học sinh. Sau 5 năm thực hiện sáp nhập công tác quản lý, hoạt động dạy và học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Dương Phong đã ổn định và nhiều mặt có chuyển biến tích cực.Thầy giáo Đoàn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Dương Phong chia sẻ: “Ban đầu khi mới dồn ghép điểm trường về trường chính và thực hiện sáp nhập trường bậc tiểu học và trung học cơ sở, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu; sắp xếp cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong tổ chức các hoạt động giáo dục chung. Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc sáp nhập mang lại những lợi ích cụ thể, số lượng cán bộ quản lý và nhân viên giảm một nửa so với trước, những học sinh từ điểm trường về học trường chính có điều kiện học tập, giao lưu tốt hơn, chất lượng giáo dục nâng lên”.
Hàng năm, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của tỉnh và ngành, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp gắn với xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo theo từng năm học. UBND huyện phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, xem xét các đề án, phương án và quyết định sáp nhập các trường học, dồn dịch các điểm trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, bảo đảm bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp học theo các cấp học, bậc học; thực hiện sáp nhập các trường Tiểu học, THCS có số học sinh dưới 120 em cũng như các trường học Tiểu học, THCS ở gần sát 01 địa điểm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 trường học từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở, so với năm học 2015 – 2016 giảm 09 trường học, trong đó Mầm non giảm 03 trường; Tiểu học giảm 06 trường. Đồng thời cũng giảm 10 điểm trường, trong đó Mầm non giảm 05 điểm; Tiểu học giảm 05 điểm. Cán bộ quản lý giảm 11 người, giáo viên giảm 18 người, nhân viên giảm 18 người. Nhìn chung, sau thực hiện dồn ghép, sáp nhập trường, số trường, lớp, điểm trường giảm so với thời kỳ đầu giai đoạn. Tuy nhiên, quy mô, mạng lưới trường, lớp vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc trên địa bàn. Việc sắp xếp hệ thống mạng lưới trường, lớp và dồn ghép điểm trường phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Đánh giá về kết quả sau 7 năm thực hiện dồn ghép điểm trường, sáp nhập trường trên địa bàn, đồng chí Đặng Hữu Dương,Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bạch Thông cho biết: “Dù có một số khó khăn, hạn chế nhất định nhưng đến nay việc thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp các cơ sở giáo dục trên địa bàn, về cơ bản các trường học đã đi vào ổn định và phù hợp với tình hình phát triển thực tế của địa phương. Công tác quản lý đã dần đi vào chiều sâu và từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành công việc. Nhu cầu, điều kiện học tập của học sinh ngày càng được đáp ứng đầy đủ; đặc biệt là việc bố trí học sinh ở bán trú đã giúp cho học sinh có nhiều cơ hội để học tập và nâng cao trình độ kiến thức môn học; giúp các học sinh thấy tự tin khi giao tiếp cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Chất lượng giáo dục của các nhà trường được nâng cao; việc duy trì sĩ số được bảo đảm và đặc biệt số học sinh bỏ học giảm dần.”
Thời gian tới, ngành giáo dục huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện dành các nguồn lực và xã hội hóa đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ dạy học. Chỉ đạo các trường tạo điều kiện cho giáo viên đi đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn; nhất là các chương trình thay đổi sách giáo khoa. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân về chủ trương sáp nhập các đơn vị trường học nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo được môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng.
Đào Kiên